Cảm thức mai trong thơ tứ tuyệt của Yến Lan

LTS: Cùng với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nhóm thơ Bình Định, một hiện tượng văn học đã để lại một chứng từ thi ca khó phai mờ trong thơ Việt hiện đại. Và như một định mệnh, tên tuổi của Yến lan đã gắn liền với hình tượng “Bến My Lăng” huyền thoại mà chính thi sĩ cũng không thể nào lý giải được tính chất huyền thoại của hình tượng thi ca bất tử này. Nhân kỷ niệm 105 ngày sinh nhà thơ Yến Lan (02.3.1916 – 02.3.2021), chúng ta cùng tìm hiểu hình ảnh cây mai trong thơ tứ tuyệt của ông.

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Trong tâm thức văn hóa Việt hình tượng hoa mai là biểu tượng của sự thanh cao, quý phái, khí tiết, cương trực của phẩm cách con người. Vì thế, Cao Bá Quát, một thi sĩ tài hoa, một con người với nhân cách cao đẹp không bao giờ chịu cúi luồn trước cường quyền thế mà đã tôn hoa mai là “thần tượng” và chỉ chịu cúi đầu trước hoa mai: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Mười năm chu du tìm gươm báu/ Đời ta chỉ cúi lạy trước hoa mai)”. Còn Đào Tấn, một thi tài, người được mệnh danh là “hậu tổ” của tuồng, một vị quan cương nghị, thanh liêm, người con của quê hương Bình Định cũng có một tình yêu đặc biệt với hoa mai nên luôn yêu thích hoa mai. Ông đã chọn cho mình hiệu: Mộng Mai và biệt hiệu là “Mai Tăng” để làm danh xưng cho mình như chọn lựa một hệ giá trị để tôn thờ, để hướng đến như một lẽ sống ở đời.

Yến Lan là người quê An Nhơn, Bình Định, cũng như bậc tiền bối Đào Tấn, ông rất trân quý hoa mai. Trong quan niệm của ông, hoa mai không chỉ là loài hoa bình thường, đó là loài hoa quý phái mà “cốt cách tượng hình cây” khiến bao người “kẻ vái chào mai, kẻ mộng mai”. (Câu thơ như một ẩn ngữ chỉ về hai con người mà Yến Lan luôn yêu quý trước nhân cách cao đẹp của họ: Kẻ “vái chào mai” phải chăng là Cao Chu Thần và kẻ “mộng mai” phải chăng là Đào Tấn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả định mang tính dự cảm). Còn đối với Yến Lan, hoa mai đã trở thành một nỗi ám ảnh, một tâm thức hiện sinh. Hoa mai luôn là chứng nhân của những thăng trầm trong cuộc sống, gắn liền với những biến sinh của xã hội mà thi nhân đã trải nghiệm. Vì vậy, từ một cành mai nơi “vườn hoang” vắng lạnh thi nhân đã liên tưởng đến sự hưng phế trong cuộc đời…

Trán lựu thâm nghiêm pho cổ tích
Má đào trơ trẽn nét xuê xoang
Xe săn liễu nối dòng bạc mệnh
Buông rụng mai bày cảnh phế hoang
(Vườn hoang)

Thời gian bao giờ cũng song hành với sự sinh sôi, sự tiến hóa theo qui luật của tự nhiên, nhưng thời gian cũng là chứng nhân của sự lụi tàn, sự hoang phế, sự tan rã vì trần thế vốn là cõi phù du. Và bước đi của thời gian là hiện thân của cõi phù du ấy. Yến Lan đã cảm nhận điều này qua sự chiêm nghiệm về vẻ đẹp mong manh của hoa mai:

Nét nhớ cong theo bóng núi đồi
Vương qua nhè nhẹ cõi lòng tôi
Bao nhiêu cánh đẹp như mai nở
Sao vội vàng qua một thoảng hơi
(Nhớ Mai)

Nhớ mai, nhớ cái đẹp qua đi một cách “vội vàng”, chỉ như một “thoảng hơi”. Cái cảm nhận vô thường ấy ở Yến Lan cũng là điều mà Vạn Hạnh Thiền sư đã thức nhận con người trước những đam mê trong cõi nhân gian phù phiếm nên trong bài thơ Thị đệ tử, Thiền sư đã xác quyết: “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”(1). Vì vậy, nỗi “Nhớ mai” của Yến Lan ở đây là một sự nuối tiếc, một hoài niệm, một ám ảnh hằn sâu trong tâm thức và tâm cảm thi nhân. Thế nên, hình tượng hoa mai không chỉ hiện hữu trong thơ tứ tuyệt Yến Lan với một nỗi nhớ đơn thuần mà nó đã kết tinh thành mộng mị huyền mơ ở chốn tâm linh trong vô thức của thi sĩ.

Ngấp nghé hiên Tây mấy khóm hồng
Nhài đơm giậu Bắc lựu tường Đông
Yêu hoa há để thềm Nam trống
Đêm mộng mai vàng đến trổ bông
(Thềm nhà phía Nam)

Hai câu thơ cuối của bài tứ tuyệt đã cho thấy tình cảm giữa nhà thơ và hoa mai sâu nặng biết dường nào!? Mối thâm tình ấy đã kết tinh thành nỗi nhớ đến nao lòng. Một nỗi nhớ mà nếu không phải tri âm thì không thể nào cảm nhận được. Cảm thức mai trong thơ tứ tuyệt của Yến Lan, vì thế là cảm thức rất thành thực tự tấm lòng của thi nhân.

Hăm mấy năm xa, trông nhớ mai
Về đây nỗi nhớ vẫn không khuây
Mai ơi, nở đó mà thưa thớt
Phẩm chất thanh u trĩu nhánh gầy.
(Vóc mai)

Rõ ràng hoa mai đã trở thành hiện thân của nỗi nhớ trong tâm cảm thi nhân. Đó là một cảm thức hướng nội, một sự tìm về như một ám ảnh. Không có sự ám ảnh này, Yến Lan không thể viết nhiều bài thơ về hoa mai đặc sắc và chứa đầy những lo ưu trần thế đến như vậy!? Chỉ trong một tập thơ tứ tuyệt mỏng manh mà thi nhân đã dành nhiều bài thơ viết về hoa mai như một sự giải tỏa những ám ảnh từ vô thức và tâm linh: Nỗi khổ của mai, Vườn hoang, Nhớ mai, Thềm nhà phía Nam, Vóc mai, Xuân hoài, Xuân tảo, Xuân cách, Nhớ rừng mai, Quý mai, Đêm xuân trông sao, Lụy nhớ, Tỉa mai…

Sở dĩ hình tượng hoa mai đã trở thành nỗi nhớ thương tràn vào cả mộng mị để trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm linh của tác giả Bến My Lăng là vì hình tượng hoa mai trong thơ Yến Lan không chỉ đơn thuần là tín hiệu của mùa xuân như cảm nhận thường tình trong sự tri nhận của mọi người mà còn là chứng nhân của những hồi ức, hoài niệm, những ưu lo trần thế mà thi nhân vẫn mãi suy tư, kiếm tìm. Đó là sự kiếm tìm về bản thể của mình trong cõi nhân sinh mà một con người giàu trải nghiệm như Yến Lan không thể không trăn trở.
Thơ Yến Lan, trong đó có những thi phẩm viết về hoa mai, vì thế là thơ của những “thấm lạnh tình người” trong cõi nhân gian đầy bất an và bất toàn mà những gì đã qua của phận số cuộc đời với những thăng trầm trong cuộc sống của thi nhân là một minh chứng…

Vẹt ngang cành trúc ngước trông trời
Mặt trái xoan tìm dõi bóng ai
Thấm lạnh tình người sao lảo đảo
Chập chờn lây cả khóm hoa mai.
(Đêm xuân trông sao)

Tọa đàm “Yến Lan, một nhân cách, một sự nghiệp thi ca” do Hội VHNT Bình Định
và UBND thị xã An Nhơn phố hợp tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan. Ảnh: TL

Thơ bao giờ cũng đi từ cõi thực đến cõi mộng. Và từ cõi mộng thơ lại trở về tắm mình trong cuộc đời thực. Đọc thơ Yến Lan trong đó có thơ tứ tuyệt, như một “đặc sản” thi ca riêng có của ông ở những năm tháng cuối đời trong hành trình sáng tạo thơ của thi nhân, chúng ta như đi vào một thế giới ngập tràn mộng và thực, như đang phiêu bồng trên chiếc “Thuyền thơ nằm đợi gió/ buồn trĩu nặng nhớ nhung”(2). Bởi, cái bến đó, con thuyền thơ đó, và cả con người thơ đó cũng tan chảy trong cõi mộng của thơ.

Thơ Yến Lan, đặc biệt thơ tứ tuyệt của ông là thơ của thế giới nội cảm kết tinh từ những “thực thể mị thường” và những nghiệm sinh của thi nhân trong cõi sống. Vì vậy, với Yến Lan cuộc sinh nở của hoa mai là một quá trình “đau đớn”, để thay đổi chính mình mà khi đọc lên không thể không thức nhận cho chúng ta những suy tư về sự chọn lựa hiện sinh của mình ở mỗi quyết định trong cuộc sống. Muốn có vẻ đẹp thanh tao, quý phái, chiếm được sự kính trọng của mọi người, hoa mai đã phải tự lột xác, tẩy rửa mình trong biết bao đớn đau của phận số để hóa thân trong thế giới mộng ảo của cái đẹp mà thơ ca là hiện thân nhiệm mầu của cái đẹp mà người nghệ sĩ đem đến cho đời.

Vặt lá đầu mùa để đón hoa
Biết trong chồi biếc sắc vàng pha
Bao nhiêu đau đớn cành mai chịu
Đợi với trời xanh rực bóng nhà.
(Tỉa mai)

Bài thơ chân mộc, giản dị như chính sự giản dị toát ra từ con người của Yến Lan nhưng ẩn chứa trong đó những ẩn ngữ văn chương đầy chất triết luận kết tinh từ những trải nghiệm trong cuộc sống thi nhân. Cảm thức mai trong thơ tứ tuyệt của Yến Lan vì thế, là ám ảnh của mộng và thực, của hiện hữu và hư vô, của sắc và không như một sự hợp lưu giữa triết học hiện sinh và triết lý nhà Phật. Nói như Huỳnh Phan Anh: “Thơ ở giữa có và không, thực hữu và hư vô, mời gọi và từ chối”(3). Với Yến Lan, hình tượng hoa mai mãi mãi là một chọn lựa hiện sinh, là sự đốn ngộ, là nhân duyên, là định mệnh như phận số của kiếp lưu đày trong hành trình sống của nhà thơ…

Về giữa thu phân mai chưa nở
Lập xuân mai nở bận không về
Hữu tình chẳng lẽ vô duyên mãi
Đông chí đây rồi lạnh tái tê.
(Nhớ rừng mai)

Không phải ngẫu nhiên, sau bao năm xa cách quê hương, mặc dù quen sống ở Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật, khi đất nước thống nhất, trở về miền Nam Yến Lan lại chọn lựa trở về góc thành Bình Định nhỏ nhoi ngày nào mà không chọn những nơi đô hội khác, chỉ vì ông muốn được sống với hoa, với cây cỏ quê nhà, đặc biệt là được sống với hoa mai như người bạn tri kỷ. Ông khao khát tìm đến hoa mai như tìm về với chính mình. Vì thế, ông luôn canh cánh bên lòng nỗi lo sợ sẽ vắng bóng hoa mai trong cuộc đời khiến mình “phải lụy” trong nỗi nhớ. Điều này đã lý giải phần nào nguyên nhân để chúng ta hiểu hơn về sự chọn lựa đầy cảm thức nhân văn cũng như tình yêu hoa mai đến lạ lùng của Yến Lan.

Gió sẵn đầu hiên, mây cuối thôn
Mà sao cách khuất suốt thu tròn
Hay vì bệnh tật tìm phương tránh
Sợ góc trời mai lụy nhớ thương.
(Lụy Nhớ)

Và chính vì cảm thức “Sợ góc trời mai lụy nhớ thương” mà những bài thơ tứ tuyệt viết về hoa mai của Yến Lan cùng với sự nghiệp thơ ca của ông sẽ mãi tồn sinh trong tâm cảm người đọc. Bởi vì, trong tâm thức người Việt hoa mai đã là một phần của thế giới tâm linh, là một hệ giá trị trong “giòng sinh mệnh văn hóa” Việt.

Đây cúc, kìa mai, nọ hải đường
Cùng mai hoa tụ nhóm thiên chương
Ấm trà mạn hảo lai rai rót
Phảng phất hương thầm bạch ngọc lan.
(Xuân cách)

Cảm thức mai trong thơ tứ tuyệt của Yến Lan, vì thế luôn là tiếng gọi thao thiết có sức âm vang và lay động trong tâm cảm người đọc.
Phải chăng, thơ Yến Lan nói chung, trong đó có thơ tứ tuyệt của ông luôn đặt chúng ta trước những được mất của cuộc đời để ngẫm suy và chọn lựa cho mình những quyết định trong cuộc sống hiện tồn mà không hổ thẹn với Hoa Mai… Tôi nghĩ thế không biết có quá võ đoán không!?

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 08.3.2021

PGS.TS TRẦN HOÀI ANH

(1) Câu thơ trong bài Thị đệ tử của Vạn Hạnh Thiền sư đời Lý
(2) Hai câu thơ trong bài Đợi gió của Yến Lan
(3) Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Nxb. Hoàng Đông Phương,
Sài Gòn, 1968, tr.104.

(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…