Bừng thức Đề Gi

(VNBĐ – Ghi chép). Tự bao đời, Đề Gi trong tâm thức của nhiều người là một làng chài bên cửa biển xa mờ, cách trở bên một đầm nước mặn cùng tên và là điểm dân cư cuối cùng của huyện Phù Cát ở phía Đông Bắc. Đề Gi có hai thôn: An Quang Đông và An Quang Tây thuộc xã Cát Khánh với khoảng 1.500 hộ dân sinh sống. Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức nhờ sự kết nối từ cung đường rất đẹp này.

Nhịp sống mới
Sau một ngày dạo làng, tham quan cảnh đẹp Vũng Bồi, Hòn Trâu… cùng anh Đỗ Thanh Toàn – một người dân bản địa làm du lịch – tôi quyết định ở lại Đề Gi. Đêm ở Đề Gi thật sống động, khác xa với một Đề Gi của vài năm trước. Đèn điện sáng trưng đến từng hẻm cụt. Hàng quán ẩm thực, thức ăn nhanh nhộn nhịp thực khách. Công viên rộn ràng với cụ già chuyện trò, hóng mát trên ghế đá, với trẻ em tung tăng bên cầu bập bênh, cầu trượt… Ngoài đầm, đèn câu lưới, cào sò, nuôi cá lồng sáng trưng, xuồng ghe đi lại rộn vui.

Một giờ sáng, cảng cá Đề Gi mở cửa. Mấy tháng nay, cảng mở cửa sớm hơn vài giờ vì tàu thuyền về đông hơn trước. Lúc này, phía cầu tàu nước sâu đã có mấy tàu lớn thả neo, kéo còi lanh lảnh. Theo tiếng còi, những đầu nậu hải sản nhanh chân xuống tàu. Số lượng thương lái ở cảng gần đây cũng tăng đáng kể khi có cả những người từ các xã: Mỹ Thọ, Mỹ Thành (Phù Mỹ), Cát Minh, Cát Tiến, Cát Lâm, Cát Sơn (Phù Cát) và nhiều bạn sỉ lớn ở Gò Găng, Đập Đá (TX An Nhơn) cùng tranh mua với người địa phương. Tầm 3 – 5 giờ sáng, Cảng Đề Gi nhộn nhịp nhất. Hàng trăm ghe đánh bắt gần bờ trở về xếp hàng ngang theo cầu tàu. Người từ ghe lên bờ, người từ làng xuống ghe, người mua đi bán lại… đông nghịt, hối hả. Hải sản về cảng, ngoài cá, mực, tôm, cua còn có nhiều loại sống ở đầm ngon nổi tiếng, như: cá mai, hàu, ốc hương, các loại sò… Theo anh Đinh Xuân Lộc – thôn trưởng thôn An Quang Đông, sở dĩ cảng cá Đề Gi ngày càng đông đúc là nhờ con đường lớn mở ra, thu hút nhiều thương lái nơi xa và tàu thuyền của ngư dân các xã quanh đầm, như: Cát Minh, Cát Tiến, Cát Khánh (Phù Cát), Vĩnh Lợi, Tân Phụng (Phù Mỹ) trước làm ăn nơi khác nay đã quay về cập cảng quê hương.

Mờ sáng, đường làng nườm nượp bước chân người. Nhà hàng, quán ăn, cà phê bên này cầu mở cửa. Khách đến đây không chỉ người làng, bạn đi ghe, người thu mua hải sản mà có cả khách du lịch, người đi đường và cư dân các thôn Vĩnh Lợi (Mỹ Thành, Phù Mỹ). Họ đến để thưởng thức hương vị riêng và tận hưởng không khí trong lành của vùng đầm nguyên sơ…

Du khách dựng trại trải nghiệm cùng thiên nhiên Bãi Bồi. Ảnh: Đỗ Thanh Toàn

Đề Gi có nhiều thắng cảnh còn giữ nguyên nét hoang sơ, như: Đồi Cát Cổ Mộ, Hòn Trâu… Hòn Trâu là một đảo nhỏ có khối đá hình chú trâu mộng nằm soài, cách bờ tầm 5 hải lý. Trên đảo có hồ nước trong xanh, nhiều loài chim biển trú ngụ. Giữa tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch, chim làm tổ đẻ trứng dày các hốc đá. Xa hơn chút nữa là Vũng Bồi. Vũng này thuộc biển Vĩnh Lợi (Phù Mỹ) nhưng cũng gần cửa biển Đề Gi. Vũng có bãi tắm đẹp, nước không chảy, màu nước thay đổi theo ánh ngày từ xanh lam, xanh lá cây đến xanh ngọc bích. Dưới mặt nước, nhiều rạn san hô xây tòa tháp đủ màu. Cạnh Vũng có đồi cát vàng thơ mộng cho khách du lịch tha hồ check in, dựng lều trải nghiệm…

Từ cuối năm ngoái, chợ Đề Gi nhóm họp cả ngày, mỗi ngày một buổi chính, một buổi phụ, hàng hóa nhiều nhất vẫn là hải sản. Ghe, tàu nhộn nhịp kéo theo nghề sửa chữa, cải hoán tàu thuyền thêm phát đạt. Các cơ sở chế biến hải sản nằm cách xa khu dân cư cũng rộn ràng đón hàng trăm lao động từ các vùng lân cận đến làm việc…

Diện mạo mới
Trò chuyện với anh Đinh Thành Tiến – Chủ tịch UBND xã Cát Khánh – về phương hướng phát triển của địa phương, tôi được biết: xã Cát Khánh đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là đô thị loại V vào tháng 12 năm 2021, hiện đã hoàn tất các thủ tục đề nghị công nhận thị trấn và đang chờ kết quả. Theo đề án, thị trấn Cát Khánh được xây dựng theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ kinh tế biển gắn với chế biến thủy hải sản. Đề Gi hội tụ đủ các yếu tố nói trên nên được tỉnh, huyện và xã ưu tiên đầu tư xây dựng: Khu tái định cư An Quang Đông kết hợp với đê kè chắn sóng, khu TDTT An Quang Đông, cơ sở hạ tầng khu dân cư An Quang Tây, mở rộng – thảm nhựa tuyến đường liên thôn, lắp điện chiếu sáng, đèn trang trí dọc ĐT 633 và bê tông đường đi các ngõ xóm… với tổng số tiền lên đến vài chục tỉ đồng.

Nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều ở Đề Gi. Ảnh: B.T.P

Đề Gi hôm nay đã khác. Nét phố đã hiển hiện trong làng. Tất cả nhà dân đều hướng mặt ra lộ. Nhà tầng mọc lên san sát. Nhà hàng, nhà nghỉ, homestay ngày càng nhiều. Nhà ở thuộc khu tái định cư mới được xây thẳng hàng, mang kiểu dáng nhà phố khang trang. Đường làng được trang trí đèn – hoa, rực rỡ cả đêm ngày. Các làng đều quy hoạch công viên đặt ở trung tâm. Công viên có không gian thoáng mát với nhiều loài hoa khoe sắc. Hằng ngày có xe của công ty Công trình Đô thị huyện đến gom rác thải chở đến nơi xử lý. Đề Gi hôm nay đã có phòng khám bệnh, hiệu thuốc tây với nhiều y, bác, dược sĩ lành nghề. Số lượng ô tô ở làng cũng ngày một nhiều hơn. Tàu thuyền lớn nhỏ đã tăng lên trên 200 chiếc, trong đó tàu dài trên 15 mét chiếm khoảng 2/3, tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn một nửa. Công việc đánh bắt trên đầm, biển đã kéo theo một lượng lớn việc làm, như: vá lưới, mua bán ngư lưới cụ, bốc vác, chuyên chở, sửa chữa, chế biến… Người có đủ điều kiện sẽ làm dịch vụ du lịch, đưa đón khách theo tour hoặc nuôi hải sản lồng bè. Người ít điều kiện hơn sẽ vào làm việc tại các cơ sở chế biến hải sản hoặc làm nước mắm thủ công bán cho du khách… Ai trong độ tuổi lao động cũng đều có việc làm. Thu nhập bình quân đầu người của hai thôn ở Đề Gi hiện cao hơn mức 54 triệu đồng/ người/ năm của xã. Hộ nghèo ở hai thôn chỉ còn là những gia đình rủi ro đột xuất và những người già neo đơn.

Kết nối gần – xa
Xưa con gái làng Vĩnh Lợi về làm dâu ở Đề Gi ru con lời ru não nuột: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Hoặc Chiều chiều ra đứng ngõ trông/ muốn về quê mẹ mà không có đò. Vĩnh Lợi và Đề Gi cách nhau cái đầm, bên này nhìn thấy bên kia nhưng vẫn luôn xa ngái như thời Quy Nhơn qua Nhơn Hội chưa có cầu Thị Nại. Đường ĐT 639 hoàn tất ra tới Mỹ Thành chạy song song với ĐT 638 và Quốc lộ 1A làm thay đổi khuôn mặt những vùng đất mà nó đi qua. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc cho phép đến 80 km/giờ, nền đường rộng 20,5m, mặt đường bê tông nhựa rộng 17,5m. Đường có 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, giữa có dải phân cách rộng 2m, hai bên đều có lề đất rộng 1m. Đường đi qua nhiều đèo, động và bắt cầu qua hai cửa đầm, sông. Cầu Đề Gi dài 400m, mặt cầu thảm nhựa rộng hơn 17m đã phá thế cô lập từ nhiều đời nay ở làng biển Đề Gi, góp phần cho ĐT 639 tích hợp được nhiều tỉnh lộ dẫn đến đây. Đặc biệt là tuyến đường Mỹ Trinh – Mỹ Thành (Phù Mỹ) đang hoàn tất, nối ĐT 638 Tây tỉnh với ĐT 639 dọc biển, sẽ kết nối Đề Gi với các xã trung du, miền núi phía Tây và Tây Bắc tỉnh dễ dàng.

Cầu Đề Gi – Kết nối 2 đầu cách xa. Ảnh: Nguyễn Minh Thọ

Giờ trai gái Đề Gi – Vĩnh Lợi trên một trục đường. Câu ca trên nghe cũng xa vời. Khoảng cách ấy đã rút ngắn từ 40 phút đi ghe xuống còn 10 phút đi xe máy. Chị Diệp Thị Liên 52 tuổi – người con gái Vĩnh Lợi lấy chồng về Đề Gi – phấn khởi: “Khi chưa có đường gần, tôi chỉ về thăm ba mẹ dịp giỗ, Tết bằng đò ngang. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ người thân muốn khóc nhưng không có đò, phải đành chịu. Lên Cát Minh, qua Mỹ Chánh vòng xuống thì mất nửa ngày. Nay có đường rồi, tôi về thăm nhà liên tục. Có ngày chạy đi chạy về mấy vòng”. Người Đề Gi hôm nay đi thành phố Quy Nhơn cũng không còn phải bắt xe ôm lên Quốc lộ 1A rồi đón xe đò. Nhiều nhà xe ở TX Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ đưa đón khách và vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường này đã chọn Đề Gi làm điểm đón – trả. Từ Đề Gi, có thể đi nhanh về phố biển Quy Nhơn, đến nhanh sân bay Phù Cát, ga Diêu Trì rồi đáp xuống các vùng, miền, lãnh thổ khác… Theo đó, sản vật từ đầm nước Đề Gi cũng nhanh chân lên đường và có mặt ở nhiều tỉnh, nước bạn.

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…