Bình Định xưa qua những bước chân du ký…

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Du ký Trung kỳ theo đường cái quan là tác phẩm mang tính ký sự của Camille Paris được xuất bản vào năm 1889. Sách được Nguyễn Thúy Yên dịch, Thư Books và NXB Hồng Đức ấn hành năm 2021. Cuốn sách mang đến cho độc giả ngày nay nhiều thông tin thú vị về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần và tính cách của người Việt hơn 100 năm trước qua những bước đường du ký dọc dài vùng đất Trung kỳ.

1.

Camille Paris đến Đông Dương phục vụ trong quân đoàn viễn chinh Bắc kỳ 1884 – 1885 và giai đoạn 1885 – 1887, ông chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung kỳ từ Huế đến Bình Thuận. Sau hơn hai năm thâm nhập đời sống của người bản xứ, Paris đã tận mắt chứng kiến và mô tả, ghi chép lại rất sinh động những cuộc tiếp xúc của mình với dân chúng, quan lại và đời sống của dân chúng sở tại trên đường tác nghiệp của mình.

Ông đã khám phá và vạch rõ con đường cái quan và những vùng phụ cận suốt chiều dài 700 cây số, thống kê được các tên làng và các đơn vị hành chính trong khi làm việc cùng các lý trưởng và viên chức bản địa, thu thập vô số chi tiết về dân tộc học, là “những tài liệu rất bổ ích cho người sau, những ai khao khát khám phá các thung lũng mà tôi mới chỉ biết sơ qua”.

Dọc theo đường cái quan, Camille Paris khá hứng thú với các di tích Chàm từ Mỹ Sơn đến Phan Rang, những thung lũng thơ mộng còn nét hoang dại bạt ngàn cây rừng chim thú… Cũng theo hành trình ông đi qua, hiển hiện rõ nét hình ảnh những người nông dân khốn khổ của xứ Trung kỳ, những quan lại An Nam cúi mình trước các quan Tây nhưng đe nẹt, bóc lột dân chúng. Ở đó, còn cho chúng ta thấy rõ sự hợm hĩnh của Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, là những tay sai đắc lực giúp thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào Cần Vương ở Trung kỳ.

2.

Chiếm một dung lượng quan trọng trong cuốn du ký, hình ảnh một Bình Định hơn 100 năm trước được Camille Paris ghi chép, khảo tả hết sức sinh động. Qua những trang viết của ông, chúng ta thấy dáng dấp một vùng phía Nam thành phố Quy Nhơn xưa. Ở đó, không phải là một vùng hồ Phú Hòa hiện tại vây bọc tôn thép rào chắn cho một dự án 5.000 tỷ đang “đắp chiếu”, không là cảnh tượng nham nhở bạt núi, lấp hồ, can thiệp thô bạo với bao vấn đề tồn tại môi sinh, cảnh quan… Vùng đất ấy, từng rất nên thơ trong trang viết của Cammille Paris: “Vùng phụ cận Quy Nhơn đẹp như tranh vẽ, nhất là hai thung lũng rất quen thuộc với các tay săn bắn, đó là thung lũng Công và Gà. Thung lũng đầu tiên, nhỏ và hẹp, là nơi cho những trái xoài ngon nhất xứ. Nó dẫn đến một cái hồ cơ man vịt trời trong suốt một khoảng thời gian trong năm”. Theo chú thích trong sách, thung lũng Công nằm giữa núi Bà Hỏa và dãy núi cao thuộc thôn Xuân Vân, chạy dọc từ bờ biển đến hồ Phú Hòa ngày nay. Thung lũng Gà là khu vực thung lũng thuộc thôn Quy Hòa, cách thung lũng Công bởi đèo Quy Hòa, nay là phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn.

Quần thể tháp Bánh Ít. Ảnh: Minh Cần

Trong hành trình từ Quy Nhơn đến La Vân – tận cùng phía Bắc của Bình Định, chêm xen giữa cảnh đổ nát chiến tranh, vết dấu của những càn quét áp bức là những vùng đất đậm chất miền quê. Như khi ông đặt chân đến Trà Lương (nay thuộc xã Mỹ Trinh, Phù Mỹ): “Trà Lương là một thị trấn nhỏ ẩn mình trong các lùm cây đến tận rừng rậm. Từ trên đường cái, chúng tôi nhận ra những mái rạ đầu tiên. Phía sau đó là rất nhiều nhà cửa, nơi dân làng tập trung sản xuất đồ gốm. Họ trồng cả hồ tiêu xung quanh các gốc xoài. Đây là vùng lý tưởng để săn bắn, công và gà nhiều vô kể”.

3.

Điểm dễ thấy nhất trong những ghi chép của Camille Paris là những di sản của người Chàm được ông đặc biệt chú ý. Như di tích Tháp Đôi được Camille Paris miêu tả khá tỉ mỉ, cho ta thêm góc nhìn hiện trạng tháp cách đây hơn 100 năm: “Ngày xưa có ba tháp, một tháp lớn với hai tháp nhỏ hơn hai bên. Giờ chỉ còn tháp lớn và một tháp cạnh nó. Nếu nhìn từ bên ngoài thì chắc chắn ta thấy đó là những tháp lộ thiên. Tuy nhiên mái vòm đã lún và sụt vào bên trong. Một trong hai tháp chứa một bức tượng lớn nay chỉ còn lại chân đế bằng đá. Không có gờ vách nhưng các lỗ tròn ở hai mặt và hai hốc vuông ở hai mặt còn lại đối diện nhau chắc là để giữ những thanh xà gỗ đỡ trần lát ván che mái vòm. Trần tháp thường bằng gỗ chạm khắc, cửa cũng là hai tấm gỗ dày và lồng khít vào ổ quay đục trong đá sa thạch nguyên khối tạo thành khung cửa…”. Hoặc như tháp Bánh Ít, được Camille Paris nhắc đến là những “tòa tháp bạc” (Bánh Ít), cũng được gọi là tháp Mẫu Thiên hay Tam tháp (ba tháp). Những tháp này được dựng trên một quả đồi, là “một trong những vị trí then chốt của thành cổ Quy Nhơn, bao quát con đường đi Nam kỳ và đường tới cảng Thị Nại”.

Tranh về Tháp Đôi ở Quy Nhơn trong tập du ký. Ảnh: V.P (chụp lại từ sách).

Sức hút của di tích Chàm và những ấn tích lịch sử luôn lôi cuốn Paris. Khi đứng trước thành cổ Chà Bàn, ông đã miêu tả khá kỹ những gì còn sót lại về một kinh đô xưa. Người đàn ông phương Tây học thức với sự nhạy cảm và tình yêu nghệ thuật này đã không khỏi xót xa trước sự lụi tàn của thành cổ, mà phần lớn bởi sự tàn phá của bàn tay con người: “Nơi này tiếp tục sa sút dưới ách thống trị của quan lại An Nam, những kẻ đã thay đổi triệt để địa thế của thành cổ… Hai phiến đá hoa cương bị dỡ khỏi những công trình và bị chôn xuống đất để làm chỗ quấn dây chão chống đại bác giật và để đẩy nó lại giàn pháo. Cung điện của các vị vua xưa bị thay bằng những túp lều dung tục của dân An Nam. Tóm lại, sự yếu kém và thị hiếu thấp hèn đã xúc phạm không chừa một chút nào đến nền nghệ thuật tuyệt diệu và tinh tế của những kẻ bại trận”.

Chùa Thập Tháp được Camille Paris ghi chép khá kỹ và gọi với cái tên “Tháp Mới”. Ảnh: H.N

Bên cạnh đó, những tháp Đồng, tháp Vàng, lăng Võ Tánh… cũng được ông trân trọng miêu tả. Đặc biệt là chùa Thập Tháp hiện nay được Camille Paris ghi chép lại khá kỹ. Ông gọi ngôi cổ tự này với cái tên “Tháp Mới”, nguyên văn La tour Neur. Điều này, được người dịch lý giải có thể là do ông nghe nhầm Tháp Mười (Thập Tháp) thành Tháp Mới.

4.

Trang viết của Paris, cho ta một độ tin cậy nhất định khi ông phác họa lại đời sống người dân Trung kỳ và quan quân đang phục vụ cho người Pháp. Ở đó, có một sự phân biệt giai cấp rõ rệt: “Người ở tầng lớp thấp kém luôn phải nép vào ruộng hay bụi tre bất cứ lúc nào để nhường đường cho người giàu và quan lại, kỵ binh phải đứng xuống dưới đất khi gặp chúng tôi”. Và cho thấy sự hợm hĩnh của quan lại người Việt dưới thời Pháp cai trị: “Chúng tôi gặp Tổng đốc Lộc ở sông Tân An. Vẻ mặt ông ta thật hợm hĩnh; như mọi kẻ Nam kỳ bị Pháp hóa, ông ta làm đỏm một cách lố lăng với một cái áo An Nam và một cái mũ cát châu Âu, kém lịch lãm xa so với cái nón. Bộ hạ của ông ta mặc đồ sĩ quan Pháp nhưng búi tóc và dáng điệu õng ẹo của chúng khiến cho người ta nghĩ chúng là ca kỹ của Tổng đốc”. Quan lại hút thuốc phiện, hà hiếp dân lành, bắt lính, phu phen… Mọi thứ hiện lên sinh động qua chính những dòng ghi chép của anh “Tây ba lô” Paris: “Viên quan người Quảng Ngãi, tức ngài khâm sai mà chúng tôi gặp ở Bến Ván, chính ông ta đã tới Bình Định và vơ vét vùng đất vốn nghèo đói vì khô cằn này”.

Tiếp xúc, ăn, ở cùng người bản địa, Paris đã có những đúc rút và cảm nhận riêng về con người Bình Định. Dẫu qua Camille Paris ghi chép lại khá kỹ. Ông gọi ngôi cổ tự này với cái tên “Tháp Mới” những đổ nát chiến tranh, sức sống của vùng đất Bình Định vẫn mạnh mẽ: “Bất chấp hành hình, thuế má chiến tranh và mùa màng thất bát, vùng đất này vẫn tràn đầy sinh khí bởi dân bản địa sinh đẻ nhiều và đất đai màu mỡ. Chỉ cần 15 ngày là đủ dựng lại một ngôi làng, một năm là đầy trẻ con và 4 tháng yên ổn sẽ có một mùa thu hoạch”.

Với hơn 100 trang sách liên quan đến Bình Định, Camille Paris đã phác tạc nên nét cơ bản về diện mạo xã hội, con người Bình Định ở giai đoạn cuối thế kỷ 19. Dẫu có những chi tiết cần sự kiểm chứng như có những tên làng, địa danh, dấu tích di sản… trước đây đã không còn tồn tại, nhưng không thể phủ nhận rằng, những trang viết trong Du ký Trung kỳ theo đường cái quan của Camille Paris thật sự có ích đối với những ai muốn tìm hiểu về vùng đất, xã hội Bình Định và khu vực miền Trung ở trong giai đoạn lịch sử này.

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…