(VNBĐ – Bình Định mến yêu).
LTS: Bình Định là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, sở hữu thiên nhiên nguyên sơ xinh đẹp với núi với biển, lại ngày càng được vun bồi bởi tình cảm và ý thức của con người. Chính những yếu tố đó đã làm “xiêu lòng” không chỉ khách tham quan mà cả những người làm văn học nghệ thuật trong cả nước.
Riêng ở mảng âm nhạc, từ lâu đã có nhiều nhạc sĩ “bén duyên” với Bình Định, và để lại nhiều ca khúc hay: Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định (Dân Huyền), Bên bờ sông Côn (Vĩnh An), Dưới tượng đài Quang Trung tôi hát (Phan Quý), Quy Nhơn thành phố thi ca (Nguyễn Thụy Kha), Bình Định quê hương tôi (thơ Trung Hải, nhạc Thanh Tịnh)… Ấy là chưa kể hàng loạt bài hát hay về quê hương đang được phổ biến của nhiều nhạc sĩ Bình Định: Trần Hữu Pháp, Châu Đức Khánh, Đào Minh Tâm, Vũ Trung, Nguyễn Thế Tuyên, Nguyễn Hữu Thuần, Bạch Mai, Vũ Thành, Khắc Hùng, Đình Đạm…
Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Đình San đã có ba ca khúc về quê hương Bình Định: “Em về Bình Định với anh”, “Nhớ Bình Định”, “Về Bình Định”, giới thiệu trên sóng phát thanh của Đài PT & TH Bình Định được đông đảo thính giả đón nhận. Nhân chuyến nhạc sĩ Nguyễn Đình San về thăm Bình Định, PV. VNBĐ đã có cuộc trao đổi với ông về ba bài hát này.
PV: Chúng tôi đã nghe kỹ 3 bài hát nhạc sĩ viết về quê hương Bình Định: “Em về Bình Định với anh”, “Nhớ Bình Định”, “Về Bình Định”. Bài nào cũng dành thật nhiều tình cảm cho quê hương đất võ. Điều đầu tiên xin hỏi: Từ cái “duyên” nào ông viết được 3 bài chung một chủ đề độc đáo như vậy?
NS. Nguyễn Đình San: Tôi có may mắn được tới Bình Định nhiều lần. Lần đầu tiên sau ngày giải phóng ít năm, tôi đã có mặt ở đây và nhanh chóng bị choáng ngợp, mê đắm bởi cảnh sắc thiên nhiên bình dị cùng bao dấu ấn văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Thành phố Quy Nhơn và một số nơi tôi có dịp đặt chân khi ấy vẫn còn sơ sài, chưa lộng lẫy, hoành tráng như bây giờ. Nhưng với những dấu tích lịch sử, văn hóa không nơi nào có được, cùng với cảnh sắc do thiên nhiên ban tặng thật nên thơ: Hầm Hô, Eo Gió, biển Kỳ Co, bến My Lăng, núi Bà… Đặc biệt là những sản vật như lụa Phú Phong, nón trắng Gò Găng, rượu Bàu Đá, dừa Tam Quan… cùng những câu chuyện về đất và người nơi đây đã gây cho tôi niềm thích thú đặc biệt. Nhưng trên hết vẫn là những người dân Bình Định có cái gì đó vừa hiền hòa, đôn hậu, lại vừa kiên cường, dũng mãnh, vừa tế nhị lại vừa ngay thẳng. Nghe giọng nói của người Binh Định thật thân thương, tôi lại nhớ đến mấy người bạn quý cùng học một lớp ở đại học Tổng hợp Văn mấy chục năm trước. Những người bạn theo cha tập kết ra Bắc năm 1954…
PV: Ngay lần đầu tiên đến Bình Định ấy, nhạc sĩ đã viết được luôn 3 bài?
NS. Nguyễn Đình San: Không. Lần đầu ấy, tôi ở Bình Định chưa đi được nhiều, những danh thắng vừa nhắc ở trên mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Chỉ ở được ít ngày, tôi phải ra Bắc. Cảm xúc dâng trào, tôi muốn viết ngay một bài hát kỷ niệm chuyến đi này. Nhưng bao nhiêu công việc dồn dập cần phải làm nên đã không có thời gian để hoàn thành ca khúc. Thế là ý định bị gác lại. Rồi cuộc mưu sinh thường nhật cứ xô đẩy tôi trôi nổi theo dòng đời. Những cảm xúc về quê hương đất võ của Tây Sơn lần ấy thế là tạm thời lắng xuống. Sau đó, phải đến lần thứ ba vào Bình Định cùng cái duyên cớ rất cụ thể mới “moi” được tác phẩm ra trang giấy.
NS. ĐÀO MINH TÂM: Tôi thật bất ngờ khi nghe 3 ca khúc của NS. Nguyễn Đình San viết về quê hương Bình Định với giai điệu, lời ca đầy cảm xúc và đậm nét âm nhạc dân gian xứ Nẫu. Điệu Lý lạch, bài Hò Mài Dừa, một chút Bài chòi, một thoáng Champa… lúc thì đậm đà quyện theo lời hát mộc mạc trữ tình, lúc lại phảng phất bay bổng lãng mạn, dìu dặt ngôn tình, dẫn dắt người nghe về miền Đất Võ. Hình như anh đã thấm đẫm từng thang âm, điệu thức, nhịp điệu của miền đất này để rồi bằng tâm hồn, tình cảm mình, vẽ lên bức tranh âm thanh đầy sắc màu dân gian, như mời gọi, tâm tình với nàng thơ nào đó của mình qua 3 ca khúc: Nhớ Bình Định, Về Bình Định, Em về Bình Định với anh. |
Cách đây mấy năm, tình cờ tôi quen biết một cô gái người Bình Định, ra Hà Nội làm ăn, sinh sống. Cô duyên dáng, xinh đẹp, nói năng rất nhẹ nhàng, và lúc nào cũng nhớ quê, muốn trở về quê hương, tuy đang làm ăn rất thuận lợi ở Hà Nội. Cô luôn nói với tôi là: “Nếu anh không ngại gì, em sẽ thu xếp thời gian đưa anh trở lại Bình Định chơi dài ngày, mời anh thưởng thức hết những món đặc sản quê em và đưa anh đến những nơi đẹp nhất của Bình Định”. Cô mời thực lòng. Chỉ cần tôi “dũng cảm”, “liều” là sẽ thành sự thực. Điều đặc biệt là cô hát rất hay, không kém gì ca sĩ chuyên nghiệp. Cô nói với tôi: “Anh là nhạc sĩ, viết nên nhiều bài hát hay, sao không viết về Bình Định quê em. Hãy viết về quê Bình Định của em để em hát. Thế là tôi viết luôn được bài đầu tiên “Em về Bình Định với anh”. Câu cô nói với tôi nguyên văn là “Em sẽ đưa anh về Bình Định với em”. Tôi muốn đảo lại là người con trai ngỏ lời mời người con gái về quê mình nên mới bắt đầu ca từ là “Em về Bình Định với anh mà xem đất võ lừng danh bao đời…”. Rồi người con trai sẽ đưa cô nàng đi khắp đây đó, thưởng thức mọi thứ với niềm vui đầy thú vị, tự hào…
PV: Đã có bài đầu tiên rất hay rồi, làm sao nhạc sĩ còn viết được nên bài thứ hai, thứ ba cũng rất đặc sắc mà lại không giống hai bài trên? Mỗi bài mỗi vẻ rất riêng biệt, không thể lẫn lộn?
NS. Nguyễn Đình San: Viết xong bài đầu tiên, tôi hát cho cô gái và bạn bè tôi ở Hà Nội nghe. Mọi người khen hay và tỏ ra rất thích, đề nghị tôi dạy. Tôi hát rồi thu vào điện thoại. Cô bạn gái chỉ nghe vài lần là có thể hát chính xác từng nốt. Thấy nguồn cảm xúc và tư liệu về Bình Định của mình vẫn còn quá dồi dào, chưa khai thác hết, tôi bèn viết luôn bài thứ hai cho “đã”. Thế là “Về Bình Định” ra đời chỉ trong một buổi tối. Nếu bài trước là lời của chàng trai mời cô gái về thăm quê mình thì bài này có chủ thể cảm xúc rộng hơn, là lời nhắn nhủ tất cả mọi người hãy về với một vùng đất non xanh nước biếc, địa linh nhân kiệt đặc biệt. Cô gái lại thích thú bài thứ hai không kém gì bài trước. Bằng chứng là sau đó chỉ vài ngày, cô thuộc lòng cả hai bài và hát cho chúng tôi nghe. Mỗi lần gặp, cô đều tâm sự với tôi là rất nhớ Bình Định, muốn về thăm tuy biết rõ là nếu về thì lại nhói lên nỗi buồn đau riêng. Chộp được cái nỗi nhớ của cô – đồng thời cũng là của tôi vì chính tôi cũng đau đáu nhu cầu muốn trở lại cái mảnh đất vô cùng đáng yêu, hấp dẫn này, tôi viết tiếp bài thứ ba “Nhớ Bình Định” với câu mở đầu:
Đã bao lâu rồi ta chưa về Bình Định,
trĩu nặng lòng ta bao nhiêu nỗi nhớ.
Nhớ ai đi về bóng đổ chiều quê,
tóc xõa thơm hương tỏa ngát con đường…
PV: Nghe cả ba bài, ai cũng thấy nổi rõ chất nhạc vùng quê Bình Định. Là nhạc sĩ người Hà Nội sao anh có thể viết về Bình Định được sâu sắc và rõ bản sắc xứ Nẫu như vậy?
NS. Nguyễn Đình San: Đây là yêu cầu nghề nghiệp của công việc. Đã là nhạc sĩ chuyên nghiệp, lại đã có bề dày sáng tác thì không thể thoát ly. Đó là viết về vùng đất nào, người sáng tác phải làm nổi rõ bản sắc riêng về nơi đó. Muốn vậy, đòi hỏi phải am hiểu dân ca vùng đó để khai thác, tạo nên tác phẩm của mình. Cả 3 bài, đặc biệt là hai bài đầu, tôi đã nhào nặn hai chất liệu bài chòi và hò mài dừa là hai làn điệu rất phổ biến, quen thuộc ở Bình Định để tạo nên giai điệu. Tất nhiên sự cao tay của người sáng tác là pha trộn sao cho vừa đủ, chỉ cho loáng thoáng xuất hiện làn điệu gốc chút ít rồi phát triển cho có hơi hướng hiện đại chứ không thể lẩn quẩn mãi với điệu gốc, nghe sẽ bị cũ, mòn.
PV: Lời ca của cả ba bài đều rất hay, sâu sắc. Nhạc sĩ nhắc đến những địa danh, như Hầm Hô, Kỳ Co, Phù Cát, Phú Phong, Gò Găng, Quy Nhơn, My Lăng thật ngọt một cách đầy tự hào. Như trên nhạc sĩ đã kể về cái duyên để ông có được ba bài hát hay về Bình Định, nhưng ngoài cái duyên ấy thì chắc hẳn phải dồn nén nhiều xúc cảm mới có thể bật ra tác phẩm được?
NS. Nguyễn Đình San: Khi đã dạt dào cảm xúc, lại được dồn nén thì viết rất nhanh. Kinh nghiệm riêng của tôi cho thấy bài nào viết mà “bí”, tức cạn cảm xúc, phải viết bằng kỹ thuật, tay nghề thì thường sẽ viết rất lâu, sửa đi chữa lại mãi mà vẫn nhạt nhẽo, không lọt tai người nghe. Cả 3 bài, tôi đều hoàn thành mỗi bài chỉ trong mấy giờ đồng hồ. Nhưng tu chỉnh cho hoàn hảo thì mất nhiều thời gian hơn vì bản thân mình phải tự khó tính mới mong được người nghe chấp nhận.
PV: Không dễ gì trong đời lại có một lúc những 3 bài hát hay viết về cùng một vùng đất. Nhưng chắc nhạc sĩ phải tự thấy mức độ ưng ý khác nhau. Xin ông cho biết thứ tự giá trị các bài theo ý riêng của mình?
NS. Nguyễn Đình San: Phải để công chúng đánh giá. Chỉ công chúng mới là thước đo chính xác. Tác giả không thể chủ quan vì “văn mình vợ người”. Một bài hát xuất hiện mà được số đông công chúng ưa thích là chắc chắn đã thành công và ngược lại. Theo tôi thì đứa con tinh thần nào cũng xót, cũng yêu thương như nhau, không thể xếp trên dưới được. Tốt nhất là các cơ quan có chức năng giới thiệu. Tuyên truyền văn nghệ hãy cứ tạo mọi điều kiện để tác phẩm đến được với công chúng. Rồi số phận nó ra sao sẽ do công chúng quyết định. Là nhạc sĩ, tôi chỉ mong các bài hát của mình đến được với rộng rãi công chúng, qua đó góp chút công sức nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu quê hương Bình Định đến với mọi người, tạo nên những bữa ăn tinh thần cho bà con rất đỗi yêu quý của tôi. Thế thôi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trao đổi thú vị này. Chúc nhạc sĩ luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục đến với quê hương Bình Định và có thêm những cái “duyên” mới để cho ra đời được nhiều tác phẩm mới.
Nhạc sĩ NGUYỄN ĐÌNH SAN
Sinh: 1946, quê Phú Thọ, hiện ở Hà Nội, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa Hà Nội;
Là tác giả của hơn 500 ca khúc (Tiêu biểu: “Chiều nắng”, “Trên dòng sông Lai Hạ”, “Khúc quân hành mùa xuân”, “Hành khúc biên phòng”, “Về Hà Tiên”, “Lời của sóng”, “Chiều Nhật Lệ”, “Thương về Hà Tĩnh”, “Tuổi 15”, “Hè về”, “Đường phố và những cây bàng”…);
Ngoài viết nhạc, ông còn nổi tiếng ở mảng lý luận phê bình âm nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết và là Tiến sĩ tâm lý học với hơn 10 đầu sách về giới tính, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình…
P.V (Thực hiện)
(Văn nghệ Bình Định số 107 tháng 3.2022)