Bí ẩn La Vuông

(VNBĐ – Bút ký). Cao nguyên La Vuông không còn dùng dằng, thách thức, luôn bày thạch trận lởm chởm ngăn cản người chinh phục nó, những con đường hôm nay đã thay màu, mở rộng vẫy gọi du khách.

Vượt ra khỏi những con đường len lỏi dưới bóng dừa Tam Quan, đến Hoài Sơn ta nghe tiếng La Vuông vẫy gọi. Một thảo nguyên đầy nắng, đầy gió, đầy mây và cũng đầy bí ẩn trên độ cao hơn 700m như một nàng tiên ngủ quên đợi người hoàng tử của mình đến đánh thức.

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn.

Bí ẩn núi Chúa
Ấn tượng đầu tiên khi đến La Vuông là ngọn núi Chúa, một ngọn núi nằm cheo leo một mình trên thảo nguyên xanh. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai; nhìn thấy đồng bằng, biển và núi. Vị trí đắc địa này gắn với nhiều truyền thuyết có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Giải thích về tên gọi, người dân ở đây cho rằng, là vì ngọn núi cao sừng sững nên gọi núi Chúa; cũng có giả thuyết vua chúa đã từng chọn địa thế hiểm trở luyện binh. Giả thuyết nào cũng có lý lẽ của nó bởi trên đỉnh núi Chúa vẫn còn nhiều dấu tích của một thời chiến chinh.

Núi Chúa đứng một mình như một cái bát úp, chỉ có một con đường vào núi duy nhất, xung quanh là những vực thẳm thẳng đứng. Đường vào núi rất hẹp gọi là cửa sinh, tất cả các hướng còn lại đều là cửa tử. Cây mọc cao rất khó định hướng nên ai đó đi vào núi mà không quen thì chắc chắn rơi vào cửa tử. Tôi thử nhặt một hòn đá ném xuống vực, chỉ nghe tiếng lăn lộc cộc vọng đi không dừng. Nếu bị sa chân hay không ra kịp trước giờ chiều tối, có thể quăng xác xuống những vực thẳm hoặc lạc khuất trong rừng này.

Bí ẩn núi Chúa. Ảnh: T.Đ

Trong núi Chúa còn dấu tích của vườn cam, cổng trời, suối Oan Hồn, bãi Bằng Lạc… Vườn cam tương truyền quân lính luyện binh ở đây trồng đến nay vẫn còn. Nơi này có một hòn đá mòn nhẵn được cho là do các tướng ngự để điều binh. Trong núi có một con suối đá tên là suối Oan Hồn, vì cứ chiều sụp xuống, mây mù kéo đến thì suối này lại có mùi nhang khói bay lên cùng với âm thanh ai oán vang lên trong khe núi. Tương truyền nơi đây có nhiều binh lính và cung phi chết, những thân cây dó bầu gãy mục khi gặp nắng nóng hun lên mùi hương nhang như để giải thoát những oan hồn. Thượng nguồn con suối có một cây cổ thụ, rễ của nó phủ từ bên này dòng suối qua bên kia, vắt vẻo trên suối thác nên người ta gọi là Cổng Trời. Ai vào núi Chúa cũng ít dám ở lại sau buổi chiều bởi sự hiểm trở và linh thiêng của núi.

Bí ẩn Trường Lũy
Cách đây không lâu, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một di tích lịch sử độc đáo nằm ngủ ở đây đã mấy trăm năm, đó là Tĩnh Man Trường Lũy. Trường Lũy chạy từ Trà Bồng (Quảng Ngãi) tới An Lão của Bình Định, dài khoảng 130km. Trước khi kết thúc, Trường Lũy đi ngang qua La Vuông tạo để lại dấu ấn đặc biệt của con người, góp thêm sự bí ẩn cho La Vuông.

Trường Lũy đoạn đi qua núi Chúa phần lớn còn nguyên vẹn. Chất liệu xây dựng chủ yếu là đất và đá. Đá xếp chồng lên nhau, cao khoảng 2m, chân đế khoảng 3m, đỉnh rộng hơn 1m. Cứ vài km Trường Lũy có một điếm canh rộng hơn 500m2. Bờ lũy được tạo nên bởi các lớp đá và đất hợp duyên với nhau. Các lớp đá bên ngoài, mỗi viên có đường kính khoảng 35 đến 40cm, có màu nâu, được xếp khéo léo theo hình vảy cá. Tuy không có một loại vôi vữa hay chất kết dính nào, nhưng những viên đá có hình thù không đồng nhất vẫn bám chặt vào nhau.

Một đoạn trường lũy chạy ngang qua núi Chúa. Ảnh: T.Đ

Nhìn tổng thể như một con rồng nằm vắt qua những cánh rừng, sườn đèo. Theo các nhà nghiên cứu, công trình này có từ khoảng thế kỷ XVI, đến nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX được bổ sung, kết nối tạo thành công trình kiến trúc khá đặc biệt và tồn tại đến bây giờ. Trường Lũy chứa nhiều dấu ấn lịch sử qua nhiều thời kỳ. Theo giáo sư sử học Phan Huy Lê, Trường Lũy có đa chức năng về quân sự, kinh tế, giao thương, giao thông giữa miền ngược, miền xuôi. Mỗi thời điểm có chức năng riêng gắn liền với nó là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, tiềm năng to lớn để phát triển ngành du lịch. Mối liên quan của Trường Lũy với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác và sự tồn tại của một câu chuyện lịch sử phong phú, càng làm tăng thêm giá trị của di tích này.

Khám phá Trường Lũy không chỉ tìm thấy giá trị lịch sử chứa đầy biến thiên của tộc người suốt mấy thế kỷ mà còn là trải nghiệm đầy thử thách và hấp dẫn cho du khách. Lần theo những vách đá xuyên qua lưng chừng núi, những con dốc, con suối, hun hút trong cánh rừng, thỉnh thoảng gặp một điếm canh khá rộng. Tất cả đều vây bằng đá. Đá im lặng trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng câu chuyện con người muốn lắng nghe lại được thì thầm rất khẽ, chỉ tâm sự cho những ai khát khao, tìm kiếm và dám chinh phục một công trình kiến trúc in đậm công sức của tiền nhân.

Với độ cao 700m, những con đường lởm chởm đá, dốc dựng, mây mù, ẩn trong những đám mây kia là những công trình còn chứa nhiều huyền thoại mê hoặc. Do cấu tạo địa hình các dãy núi nên gió ở đây rất mạnh. Chiều buông xuống thì mây mù phủ kín, lạnh và gió. Vì sự khắc nghiệt và linh thiêng của vùng đất khiến nhiều dự án do con người tạo ra như dự án bò sữa trước 1975, dự án dâu tơ tằm thời bao cấp, dự án trồng dứa mới đây… đều biến mất một cách bí ẩn.

Trường Lũy uốn lượn như con rồng bay qua đỉnh La Vuông rồi trườn xuống ẩn mình trong thung lũng An Lão ngủ giấc thiên thu. La Vuông với hệ thống Trường Lũy, núi Chúa, thảo nguyên mênh mông, khí hậu mát mẻ và những bí ẩn, những câu chuyện kể giữa thảo nguyên xanh chưa được khám phá, nó như đang chờ đợi một người tình đến đánh thức.

TRƯỜNG ĐĂNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…