Những cô bé sáng suốt hơn người lớn

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Năm đó lễ Phục Sinh đến sớm. Mùa trượt tuyết chỉ vừa mới kết thúc, tuyết vẫn còn trong sân và nước chảy thành dòng dọc đường làng.

Hai cô bé con hai nhà khác nhau tình cờ gặp nhau trong một con hẻm giữa hai nhà, nơi nước bẩn sau khi chảy qua sân trại đã tụ lại thành một vũng lớn. Một cô bé rất nhỏ, đứa kia lớn hơn một chút. Cả hai vừa được mẹ mặc cho váy mới. Cô bé lớn hơn mặc một chiếc váy màu xanh da trời còn bé kia mặc váy in hoa vàng, cả hai đều mang khăn trùm đầu đỏ. Chúng vừa từ nhà thờ tới và đầu tiên chúng khoe nhau đồ mới, rồi chúng bắt đầu chơi đùa. Chẳng mấy chốc chúng đã thích chơi nghịch nước trong vũng, đứa bé hơn định mang cả giày cứ thế nhảy vào vũng nước thì đứa lớn hơn ngăn lại.

– Đừng cứ thế nhảy vào Malasha. Mẹ bạn sẽ mắng bạn đấy. Tớ sẽ tháo giày tất và bạn cũng vậy đi.
Chúng làm vậy, rồi túm váy lên chúng bắt đầu đi về phía nhau qua vũng nước. Nước ngập tới mắt cá chân Malasha và cô bé nói:

– Sâu quá Akoulya, tớ sợ!

– Thôi nào – đứa kia đáp. Đừng sợ. Sẽ không sâu hơn nữa đâu.

Khi đã tới gần nhau rồi, Akoulya nói:

– Coi chừng đó Malasha, đừng té nước. Đi cẩn thận đấy!

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Chưa kịp nói xong thì Malasha đã thọc chân xuống khiến cho nước văng thẳng lên váy Akoulya. Cái váy dính bẩn rồi, và mắt mũi Akoulya cũng vậy. Lúc nhìn thấy vết bẩn trên váy mình, cô bé giận dữ và đuổi theo Malasha để đánh nó. Malasha hoảng sợ và thấy rằng mình vừa gây ra rắc rối, cô bé bò ra khỏi vũng nước và chuẩn bị chạy về nhà. Ngay lúc đó mẹ Akoulya tình cờ đi ngang qua, và khi thấy váy con gái dính nước còn tay áo thì bẩn, chị ta nói:

– Đồ con bé hư hỏng, bẩn thỉu, con đã làm gì thế hả?

– Malasha cố tình làm đấy – cô bé đáp.

Nghe thế mẹ Akoulya túm lấy Malasha và đánh vào gáy cô bé. Malasha rú lên để khắp phố đều có thể nghe thấy. Mẹ cô bé xuất hiện.

– Sao chị lại đánh con tôi?

Chị ta nói và bắt đầu chửi rủa người hàng xóm. Lời qua tiếng lại thế là họ cãi nhau ỏm tỏi. Cánh đàn ông xuất hiện và đám đông dần tụ tập lại, ai cũng hét lên không ai chịu nghe ai hết. Tất cả bọn họ đều tham gia vào cãi nhau tới khi có người đẩy một cái, thế là sự vụ gần tới mức đánh nhau, lúc đó bà của Akoulya chen vào giữa và cố xoa dịu họ.

– Chúng bay nghĩ gì thế hả? Cư xử như thế mà được sao? Vào một ngày như thế này nữa chứ! Đây là lúc để vui mừng chứ không phải để làm một việc nực cười thế này.

Họ không chịu nghe bà lão và gần đụng bà ngã luôn. Bà sẽ không thể làm cho đám người im lặng được nếu không phải là vì chính Akoulya và Malasha. Trong khi đám phụ nữ lăng mạ nhau, Akoulya đã lau sạch bùn trên váy và trở lại vũng nước. Cô bé lấy một hòn đá và bắt đầu nạo đất phía trước vũng làm thành một con lạch dẫn nước chảy ra đường. Ngay sau đó Malasha nhào vào làm cùng bằng một mẩu vỏ bào. Ngay khi đám đàn ông bắt đầu đánh nhau, nước từ con lạch của mấy cô bé tuôn ra đường tới ngay chỗ bà lão đang cố xoa dịu họ. Hai cô bé đi theo nó, mỗi người chạy một bên dòng suối nhỏ.

– Bắt kịp nó đi Malash! Bắt kịp nó đi!

Akoulya nói, còn Malasha không nói được vì còn bận cười.

Cực kì phấn khích và nhìn theo mẩu vỏ bào trôi nổi theo dòng nước, hai cô bé chạy thẳng tới nhóm đàn ông, còn bà lão khi nhìn thấy chúng liền nói với họ:

– Chúng bay không tự thấy xấu hổ hả? Đi đánh nhau vì mấy con bé này trong khi bản thân chúng đã quên hết rồi và đang chơi vui cùng nhau kìa. Mấy đứa trẻ dễ thương quá đi mất! Chúng sáng suốt hơn chúng mày đấy!

Cánh đàn ông nhìn mấy cô bé, cảm thấy xấu hổ nên tự cười mình rồi ai lại về nhà nấy.

Chỉ có trở thành trẻ con người ta mới có đủ sáng suốt để vào được vương quốc thiên đường.

Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 – 1910) là một tiểu thuyết gia người Nga. Tolstoy được yêu mến ở khắp mọi nơi như một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác “Chiến tranh và hòa bình” và “Anna Karenina”.

TRƯƠNG THỊ MAI HƯƠNG dịch.
Nguồn: online-literature.com

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nắng xuân nồng ấm

Đó là một buổi chiều, tôi có thư. Chần chừ không nhận vì sợ nhầm. Không nhầm đâu cô, thư gửi từ trại giam đó – chị đưa thư quả quyết…

Thơ dự thi của Lý Thành Long

Nhớ thương nào từ phía ngọn Nồm khơi
môi má đầu nguồn ngả vào lòng xanh tận bể
duyên xà hai giọt phù sa thắm đỏ
đồng bãi phồn sinh

Những đứa trẻ sinh ra từ khuông nhạc

Mi hướng ánh mắt về phía bầu trời trong veo, xanh như mặt nước biển và bắt đầu cất tiếng hát. Biển rẽ sóng, tạo thành một khuông nhạc với năm dòng kẻ lấp lánh ánh vàng…

Tháng Mười Hai chạm vào miền nhớ

Tháng Mười Hai dịu dàng như một bản nhạc dương cầm, từng phím đàn vang lên trong trẻo giữa tiết trời se lạnh, mang theo hơi thở của những ngày cuối đông…