Thành Hoàng Đế năm 1778 dưới mắt người phương Tây

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Ngày 13 tháng Bảy năm 1778, sứ đoàn người Anh gồm hai tàu 03 cột buồm là Amazon và Jenny cập cảng Quy Nhơn. Được Nguyễn Nhạc cho tiếp kiến ở triều đình, chiều tối ngày 22 tháng Bảy, Trưởng sứ đoàn Charles Chapman cùng tùy tùng lên bờ, để sáng sớm hôm sau từ Quy Nhơn khởi hành đến Hoàng Đế thành.

Nếu căn cứ vào Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, biết được tên gọi “thành Hoàng Đế” là qua ghi chép: “Thành cũ Chà Bàn ở địa phận 03 thôn Nam Định (!), Bắc Thuận và Bả Canh về phía Đông Bắc huyện Tuy Viễn. Xưa là quốc đô của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm, trong thành có tháp cổ, có nghê đá, voi đá… đều của người Chiêm. Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ xây đá ong, tiếm xưng là thành Hoàng Đế”.

Còn nếu xét vào Đại Nam Liệt Truyện, bản dịch của Viện Sử học cho biết tên của thành được xưng vào năm Mậu Tuất 1778: “Năm Mậu Tuất, Nhạc tự lập làm đế, niên hiệu ngụy là Thái Đức năm thứ nhất, gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng Đế, lấy Lữ làm Tiết chế, Huệ làm Long Nhương Tướng quân”.

Hoàng Đế thành có tên vào đầu năm, đến tháng Bảy, sứ đoàn người Anh của Charles Chapman mới đến đây. Theo sử gia người Anh Alastair Lamb, trong sách British Missions to Cochin China 1778 – 1822, Printcraft Ltd. Kuala Lumpur 1961, Chapman đã tường trình cho Toàn quyền Anh ở Bengal buổi hội kiến của ông và triều đình nhà Tây Sơn tại đây, trong đó có đôi dòng sơ lược dáng vẻ bên ngoài của Hoàng Đế thành: “Khoảng 8 giờ chúng tôi đã thấy bóng dáng hoàng thành của Đức vua. Cửa thành phía Đông, nơi lối vào mở rộng ra ước chừng 3/4 dặm (hơn 1km) là một bức tường bằng đá thẳng tắp, nhiều chỗ đã qua sửa chữa, không có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh, kể cả những thứ để làm nên một công sự phòng thủ. Tuy vậy bấy nhiêu cũng đủ để đáp ứng mục đích của chủ nhân. Tôi được biết nó là một tòa thành vuông, các cạnh khác tương tự như tường thành chúng tôi đã đi qua”.

Với mô tả trên, Chapman xác định đúng hiện trạng của thành lúc bấy giờ, đã hiểu được sách lược, mục đích của Nguyễn Nhạc khi trấn đóng thành Đồ Bàn, làm chủ của phong trào khởi dựng nên một vương triều. Tuy vậy, Chapman chưa thấy sự lớn mạnh của triều Tây Sơn, sau đó nghĩa binh đã từ đây tiến vào Nam, đánh ra Bắc làm cho lân bang phải vỡ mật, kinh hồn.

Thế phòng ngự của Thành Hoàng Đế
Hoàng Đế thành được Nguyễn Nhạc cho sửa sang lại trên nền cũ thành Đồ Bàn của người Chiêm vào năm 1776. Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển viết Đồ Bàn Thành Ký vào triều Tự Đức đã cho biết Đồ Bàn vốn có từ lâu đời, “khắc phục từ nhà Trần, bị phá vỡ từ đời nhà Lê, khôi phục được từ nhà Tây Sơn”. Như vậy kể từ khi vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm Vijaya, phá hủy thành Đồ Bàn lập nên phủ Hoài Nhơn ở đây năm 1471, đến khi Nguyễn Nhạc khôi phục lại thì nó đã hoang phế tới những 300 năm. Hiểu vậy mới thấy tại sao Chapman cho là thành có nhiều chỗ đã qua sửa chữa.

Lối vào của sứ đoàn người Anh là cửa thành phía Đông, nay là ngõ vào thôn Bả Canh. Theo Đồ Bàn Thành Ký thì Nguyễn Nhạc đã cho mở rộng cửa Đông so với thành cũ của người Chiêm: “Mở rộng cửa Đông kéo dài chu vi 15 dặm, cao 1 trượng 4 thước (hơn 5m), dày 2 trượng (hơn 9m), mở thêm 1 cửa nữa ở cửa Nam thành 5 cửa. Bên trong có xây thành nhỏ, chính giữa là lầu Bát giác, hai bên dựng 2 nhà thờ, phía tả thờ tổ tiên ông Nhạc, phía hữu thờ tổ tiên bà Nhạc. Phía sau lầu là điện chánh tẩm (phòng ngủ của vua), phía trước lầu là cung Quyển Bồng, hai bên có dãy hành lang làm nơi làm việc, trước cửa cung mở cửa tam quan, cũng gọi là cửa Quyển Bồng, hay là cửa Nam lâu, ngó ra cửa Vệ Môn”.

Cụ Hoàng giáp Vĩnh Ân mô tả tỉ mỉ hơn Chapman. Khi Chapman đến đây thì thành Hoàng Đế vừa mới tu bổ, mọi thứ còn sơ khai. Thử tìm hiểu nhận xét của Chapman những chi tiết về hoàng thành “không có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh, kể cả những thứ để làm nên một công sự phòng thủ”.

Nguyên từ lúc chiếm được Phủ thành Quy Nhơn năm 1773 ở phường Hoa Phúc, xã Thời Lượng, huyện Phù Ly (vị trí phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn ngày nay), Nguyễn Nhạc tiến quân ra Quảng Nam, đánh vô Phú Yên để củng cố cứ địa. Đến năm 1775, quân Trịnh xâm nhập Châu Ổ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), để tránh áp lực phía Bắc, Nguyễn Nhạc cho người ra cầu hòa. Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì Chúa Trịnh Sâm ngại đem binh đi sâu xuống Nam, cho Nguyễn Hữu Chỉnh cầm sắc ấn vào ban cho Nguyễn Nhạc làm “Tiền phong Tướng quân, giữ chức Hiệu trưởng Tây Sơn”. Vài tháng sau Nguyễn Huệ đại phá quân Nguyễn ở Phú Yên, Trịnh Sâm phong cho Nguyễn Huệ là “Tây Sơn hiệu Tiền phong Tướng quân”.

Qua đến năm 1776, binh lính bị dịch bệnh nên Hoàng Ngũ Phúc bỏ Châu Ổ lui về Thuận Hóa, Nguyễn Nhạc thừa cơ chiếm lấy Quảng Nam, cho Nguyễn Lữ đem thủy binh đánh Gia Định. Cũng trong năm này, Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, phong Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính, và sửa lại thành Đồ Bàn, lập nên triều chính.

Như vậy lúc Chapman có mặt ở Hoàng Đế thành, Nguyễn Nhạc đã xưng vương xưng đế, sách lược của ông là hòa Bắc đánh Nam. Mặt phía Bắc sau khi Hoàng Ngũ Phúc bệnh chết vì không hạp thủy thổ, rồi Bùi Thế Đạt, Lê Quý Đôn bị triệu hồi về Thăng Long, đất Thuận Hóa được giao cho Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể chỉ với ý định trấn giữ vùng biên trấn, Nguyễn Nhạc đã không còn lo mặt Bắc. Mặt phía Nam, khi quân của Tống Phước Hiệp đại bại dưới tay Nguyễn Huệ ở Phú Yên năm 1775, quân Nguyễn chỉ còn ít binh lực ở tận phía trong Đồng Nai. Lúc bấy giờ Hoàng Đế thành có dư thời gian để gia cố công sự phòng thủ.

Thành Đồ Bàn trước kia đã là một vị trí phòng ngự từng đánh bại các cuộc tấn công xâm lấn. Sau khi thoát được sự khống chế của Chân Lạp, thành Đồ Bàn của người Chiêm đã vững vàng đối phó quân Nguyên Mông. Năm 1282, Toa Đô từ bên Tàu sang thẳng đây hòng thu phục Chiêm Thành, mở mũi cánh Nam đánh lên Đại Việt. Bị cầm chân tại đây, lưu lại lâu càng nguy hiểm, Toa Đô phải giong buồm ra Bắc để hợp quân với Thoát Hoan. Quân nhà Trần chặn giết Toa Đô ở trận Tây Kết – Khoái Châu.

Gần 100 năm sau cũng tại thành Đồ Bàn, vua Trần Duệ Tông của Đại Việt trúng kế không thành của Chế Bồng Nga, bị trúng tên tử trận vào năm 1377. Đến năm 1471, kinh thành của Chiêm quốc phải thất bại trước cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, theo đánh giá của cụ Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển thì: “Chỉ vì vận mạng nước đó đến thời cáo chung, chứ đâu phải tội lỗi của bức thành đó”.

Sơ đồ thành Hoàng Đế. Nguồn: Kỷ yếu Phong trào Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ

Còn nếu xét thành Hoàng Đế của triều Tây Sơn với núi cao chung quanh làm lũy chắn, sông rộng làm hào sâu đã tăng thêm uy thế phòng ngự một kiến trúc quân sự. Sông Thạch Yển, sông La Vĩ bao bọc chung quanh, gò Tập, núi Long Cốt ở cửa Vệ phía Nam đứng làm tiền án. Cụ Hoàng giáp Vĩnh Ân từng cho rằng “Coi đó ta thấy cái địa thế của núi Long cốt lợi hại lắm thay”.

Những năm sau, Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu đã cố thủ thành này từ tháng Giêng năm Canh Thân 1800 đến tháng Năm năm Tân Dậu 1801, trước đại quân của Thiếu phó Trần Quang Diệu vây chặt tới ba bốn lớp. Cũng theo cụ Hoàng giáp thì “Đó là cũng nhờ lập dinh trại ở suối Cá Sấu và núi Long Cốt để làm kế chống cự lâu dài”.

Được biết công sự phòng thủ ở trong thành, nơi tháp Cánh Tiên có kho thuốc súng, các Gò Chùa, Gò Cửa Chùa, Gò Tháp Mẫm là những pháo đài đặt đại bác… Nhưng phòng ngự đâu chỉ có dựa vào núi hiểm, sông sâu, thành cao, súng lớn. Thành Hoàng Đế năm 1778 theo như nhận xét của Chapman (trong sách British Missions to Cochin China 1778 – 1822): “Vào bên trong thành, chúng tôi phải chờ chừng nửa giờ nơi dịch quán. Cổng và trên thành hoàn toàn không một lính canh, mặt đất không có gì ngoài cánh đồng lúa”.

Quân lương là cốt lõi của chiến tranh, những đồng ruộng trong thành đã trực tiếp cung cấp cho binh lính kéo dài thời gian cầm cự. Năm Minh Mạng 1832 áp dụng chính sách quân điền ở Bình Định, tại Bả Canh có một lượng lớn quan điền, gộp chung với công điền lên tới 119 mẫu, trong khi tư điền chỉ có 45 mẫu. Bình quân ruộng đất mà tư điền ở Bả Canh không được một nửa công điền.
Quan điền là loại ruộng công do quan chức quản lý, để cho lính hoặc dân, cũng có thể là dân ở nơi khác đến cày cấy nộp với mức thuế cao để thu làm quốc khố. Còn công điền cũng là loại ruộng công nhưng do xã thôn quản lý, chia cho dân của xã thôn canh tác theo định kỳ nào đó. Bả Canh nằm trong vòng thành Đồ Bàn, ruộng đất ở đây phần lớn là quan điền, đặt tô thuế cao để chiết lập quân lương cho thành trì.

Thành Hoàng Đế năm 1778 lúc Charles Chapman đến đây, dù chỉ mới hai năm trùng tu, nhưng qua tường trình của phái viên người Anh này, đối chiếu lại lịch sử của đất nước đã hình dung ra phần nào diện mạo, công năng một tòa thành của những vương triều đã chọn Bình Định làm quốc đô. Có một chi tiết đáng lưu ý là Tường trình của Chapman còn cho biết sách lược của chủ nhân phong trào Tây Sơn thời bấy giờ. Theo sách British Missions to Cochin China 1778 – 1822, sau buổi hội kiến với triều đình ở điện chầu, trao đổi các phương thức mậu dịch thương mại giữa hai bên, Chapman còn được Nguyễn Nhạc mời gặp riêng ở dinh thự hậu cung. Tại đây vua Thái Đức đã cởi mở tiết lộ những dự tính sắp tới của ông cho Chapman nghe: “Mưu đồ không ít hơn là làm cho vương quốc Cao Miên phải phục tùng, chinh phục toàn bộ bán đảo xa tận phía Xiêm La, và thu hồi những vùng phía Bắc thuộc xứ Ðàng Trong giờ đang ở trong tay của người Ðàng Ngoài” (They were no less than to subdue the Kingdom of Cambodia with the whole peninsula as far as Siam, and the Provinces belonging to Cochin China to the north now in the hands of the Tonquinese).

Ngay từ năm 1778 ở thành Hoàng Đế, Nguyễn Nhạc đã vạch ra sách lược: Về mặt Bắc chỉ thu hồi các vùng phía Nam sông Gianh mà quân Trịnh đã chiếm, không tiến hành lấy đất Đàng Ngoài. Về mặt phía Nam chinh phục và mở rộng quyền lực tới tận Thái Lan.

Thổ lộ của vua Thái Đức với Charles Chapman là một cứ liệu căn cơ để đánh giá lại nhiều sự kiện xảy ra dưới triều Tây Sơn. Triều Tây Sơn, một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng hậu thế còn phải tranh cãi dài lâu.

PHAN TRƯỜNG NGHỊ

Tài liệu tham khảo:
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Viện Sử học, Nxb Giáo dục, 2001.
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 2006.
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 2006.
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử học, Nxb Giáo dục, 1998.
+ Nguyễn Văn Hiển, Đồ Bàn Thành Ký, bản dịch Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, Tập san Sử Địa Sài Gòn xuất bản, 1970.
+ Alastair Lamb, British Missions to Cochin China 1778 – 1822, Printcraft Ltd. Kuala Lumpur, 1961.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.